Đó là 4 câu thơ ca ngợi người phụ nữ mà tôi thích nhất, vì nó thể hiện tương đối đầy đủ phẩm hạnh của một người phụ nữ Việt Nam. Nói đến đây, tôi không thể không nhắc đến một tấm gương phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” mà tôi hằng kính mến - cô Lê Thị Bé, một người con gái sinh ra tại mảnh đất Vĩnh Long được mệnh danh là đất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng. Cái duyên đưa người phụ nữ này đến TP. Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc để rồi tại đây cô đã có hơn 40 năm gắn bó với công tác đoàn thể, chính quyền ở khu phố và phường. Là một người có trách nhiệm, chăm chỉ lại nhiệt tình nên cô luôn được tin tưởng để giữ những vị trí quan trọng như Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường. Trong từng ấy năm gắn bó với công tác Hội, cô đã thể hiện được vai trò của một người lãnh đạo, gần gũi và chân thành, sâu sát tình tình của người dân, tìm ra cách để mọi người xích lại gần nhau. Nhiều hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn đã được cô quan tâm giúp đỡ, không những thế cô còn ra sức vận động quyên góp xây cầu đường, vận động để các em có được học bổng đến trường. Cô còn đặc biệt quan tâm đến các gia đình có con em cai nghiện, thường xuyên lui tới động viên, hỏi han về sự chuyển biến của các em. Cô đã thuyết phục được nhiều chị em người Hoa, người Chăm cùng tham gia các cuộc thi văn nghệ, đạt được nhiều thành tích cao. Điều đó cho thấy sự quan tâm thấu đáo của cô từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần của người dân. Mỗi một việc làm của cô không chỉ xuất phát từ chức trách, mà còn xuất phát từ cái tâm, cái lòng của một người đi làm dân vận.
Là một người phụ nữ nhỏ nhắn và nụ cười hiền, cô luôn tạo cho mọi người một cảm giác gần gũi, ấm áp. Công việc không phải lúc nào cũng được thuận lợi, đặc biệt là công tác Hội, đòi hỏi người tham gia phải có tính nhẫn nại để có thể giải quyết mọi chuyện khéo léo mà không gây ra khúc mắc, bất hòa trong người dân. Nhưng dù có khó khăn đến mấy, mọi người vẫn luôn bắt gặp hình ảnh một cô Bé từ tốn, giải quyết công việc thấu đáo đâu vào đấy. Cũng chính vì thế mà cô luôn được đồng nghiệp thương, dân mến. Nguồn năng lượng tích cực của người phụ nữ này đã giúp nhiều chị em hăng say hơn trong công tác Hội, giúp công tác Hội Phụ nữ phường ngày một vững vàng. Những lúc cô chia sẻ kinh nghiệm hoạt động cho những chị em mới, trong ánh mắt cô dường như là một ngọn lửa nhiệt huyết và chân thành.
Cô Lê Thị Bé (Ngoài cùng bên trái) trao hoa kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam
Và cho đến bây giờ, khi đã bước vào tuổi 60, ngọn lửa ấy vẫn cháy bỏng trong cô. Ở cái tuổi mà nhiều người phụ nữ chọn cho mình sự nghỉ ngơi bên gia đình, con cháu, cô Bé vẫn nặng lòng với công tác dân vận tại Hội Chữ thập đỏ của phường. Tuổi tác không thể ngăn cô hoạt động hăng say và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhìn vào những gì cô đã làm, tôi mới chợt hiểu ra vì sao trước đây cô hay nói với mọi người rằng: “Công tác đoàn thể nó vậy đó con, tuy cực nhưng mà vui, khi làm được con sẽ thấy mình sống hữu ích cho đời”. Và đúng là như vậy, cô đã trở thành một người phụ nữ hữu ích cho cuộc đời.
Những hoạt động, đóng góp của cô đã được ghi nhận bằng những bằng khen, giấy khen, huy chương, như là Huy chương “ Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” do Hội LHPN Việt Nam trao tặng năm 1999, Huy chương “Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam” năm 2000, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận” năm 2002, Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Sau giờ làm việc, trút bỏ chiếc áo cán bộ, cô Bé của đời thường là một người vợ hiền, một người mẹ đảm. Cô là hậu phương vững chắc cho người tri kỉ của mình - chú Trần Văn Thuật, Trưởng Công an phường. Mọi việc trong ngoài gia đình đều một tay cô gánh vác để chú có thể an tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình. Các con của cô Bé đều được dạy dỗ thành người có ích bằng chính sự hiểu biết xã hội, cộng với tính tình điềm đạm, hiền lành của cô. Bàn tay vun vén khéo léo của một người phụ nữ như cô Bé đã khiến gia đình cô luôn ngập tràn hạnh phúc. Cứ thế suốt nhiều năm liền, gia đình cô luôn đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Những gì cô Bé đã làm được, chứng minh rằng, cô không hề “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như nhiều người đã nghĩ. Cô giỏi việc nước, đảm việc nhà, lại là người sống có nghĩa, có tình. Xứng đáng được mọi người yêu quý, học tập và noi theo. Và chính tấm gương ngời sáng của cô Lê Thị Bé gợi tôi nhớ đến 4 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Nếu là con chim chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.
Hồ Mộng Tuyền