TIN TỨC & SỰ KIỆN * Cải cách hành chính

|

Cải cách hành chính

Thành phố Hồ Chí Minh vươn mình sau đại dịch Covid-19 hướng tới kỷ nguyên hiện đại, phát triển và văn minh

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của cả nước. Được sự quan tâm của Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về định hướng phát triển Thành phố và gần đây là Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những định hướng, khung pháp lý làm tiền đề để Thành phố có điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhằm triển khai quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số được nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn. Đó là các chính sách:

 

1. Chính sách phát triển kinh tế: Thành phố thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Hiện các lĩnh vực tác động chủ yếu đến kinh tế xanh của Thành phố như: phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển… và cơ chế cho kinh tế xanh thành phố cần dựa trên 6 trụ cột, như: điện áp mái, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thu hút nhà đầu tư chiến lược về năng lượng sạch, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về năng lượng sạch.

2. Chính sách y tế và an sinh xã hội: Chất lượng y tế công: Đầu tư vào hệ thống y tế công cộng, phát triển cơ sở vật chất ở các bệnh viện, trạm y tế, và cải thiện dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân. Bảo hiểm y tế và các dịch vụ bảo trợ xã hội cũng được chú trọng nhằm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới ba bệnh viện gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Việc đưa vào hoạt động các bệnh viện ở cửa ngõ Thành phố giúp nhiều bệnh nhân khu vực và các tỉnh lân cận tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí khám chữa bệnh.

3. Chính sách giáo dục: Có chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM trong năm học 2023–2024. Hiện nay, Thành phố đang xây dựng Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh trung học phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm học 2025 - 2026. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bộ tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn về Con người, về Dạy học và hoạt động giáo dục, về Môi trường.

4. Chính sách cải cách hành chính: Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng cải cách hành chính để phục vụ người dân tốt hơn, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong việc giải quyết thủ tục.

- Hiện nay Thành phố có 996 dịch vụ công trực tuyến trong đó có 611 dịch vụ công toàn trình và 385 dịch vụ công một phần.

- Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính: Triển khai đồng bộ Hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các sở, ngành, quận, huyện, và thành phố Thủ Đức. Người dân có thể tra cứu, nộp hồ sơ, và nhận kết quả qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Hệ thống giúp đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian xử lý thủ tục.

- Ứng dụng công dân số: Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số, cho phép người dân thực hiện các thủ tục qua ứng dụng di động như HCMC Egov, hỗ trợ tra cứu thông tin, đăng ký dịch vụ công, và phản ánh các vấn đề tại địa phương. Hướng tới xây dựng Công dân số, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu mang lại trải nghiệm hiện đại, thuận tiện, và minh bạch cho người dân.

5. Chính sách bảo vệ môi trường và giao thông: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện chuyển đổi xe buýt chạy bằng diesel sang chạy điện; hoặc dùng ngân sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi để cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện... nhằm kiểm soát khí thải trong lĩnh vực giao thông, hướng đến nền giao thông xanh, bảo vệ môi trường. Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” đạt được kết quả tích cực, trên 98% phường, xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí “sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, góp phần nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các khu xử lý chất thải rắn của Thành phố. Công tác giảm ùn tắc được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là các khu vực cửa ngõ Thành phố, từng bước kéo giảm tai nạn giao thông.

- Quản lý rác thải và bảo vệ môi trường: Thành phố Hồ Chí Minh đang đầu tư vào công tác phân loại và xử lý rác thải, triển khai các chương trình bảo vệ môi trường như giảm thiểu ô nhiễm không khí và khuyến khích sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường.

- Phát triển hệ thống giao thông: Thành phố mở rộng và nâng cấp hệ thống đường bộ, phát triển các tuyến metro (như tuyến Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, trong đó tuyến Bến Thành - Suối Tiên dự kiến hoạt động trong cuối năm 2024), cải thiện và nâng cấp hệ thống đường cao tốc (gồm Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận, Cao tốc Bến Lức – Long Thành), phát triển hệ thống đường vành đai (2, 3, 4). Các dự án metro, vành đai và cao tốc sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh giảm tải giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng sống. Hệ thống giao thông hiện đại và đồng bộ này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển và giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận.

Mọi thông tin phản ánh gửi đến: Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh 1022; App Công dân số TP Hồ Chí Minh”; hoặc cung cấp thông tin qua kênh “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”.

Hãy cùng chung tay vì một Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, hiện đại và văn minh!


     

 
Các Cải cách hành chính đã đưa
   Hội nghị tổng kết công tác thí điểm và công bố triển khai đăng ký, thu phí sử dụng tạm thời một phần hè phố làm điểm kinh doanh, dịch vụ, mua, bán hàng hóa trên địa bàn Quận 1 (08:51 - 28/10/2024)
   Quận 1 triển khai mở rộng thí điểm đăng ký và thu phí sử dụng vỉa hè làm điểm kinh doanh (08:39 - 28/10/2024)
   TP.HCM khảo sát sự hài lòng của người dân tại 6 quận, huyện (08:43 - 21/10/2024)

Xem bài viết theo ngày
RadDatePicker
Open the calendar popup.