Ngày 6/1, Ban Quản lý Đền Mariamman Quận 1 phối hợp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Khoa Văn hóa học), Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo Khoa học tín ngưỡng nữ thần Mariamman ở TPHCM với chủ đề “Truyền thống và biến đổi”.
Tham dự có các đồng chí: TS. Vipra Pandey, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM; TS. Huỳnh Thành Lập, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ TPHCM; Nguyễn Trung Châu Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1; Phạm Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1; PGS.TS. Lê Thị Ngọc Điệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM; TS. Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Ban Quản lý Đền Mariamman Quận 1…
Tín ngưỡng Nữ thần Mariamman theo dòng lịch sử di dân của người Ấn Độ đến Sài Gòn (TPHCM ngày nay) trong thời kỳ Pháp thuộc, những người Ấn Độ có quê hương từ miền Nam Ấn Độ đã mang theo tín ngưỡng này trên bước đường mưu sinh tại Sài Gòn. Để có nơi thực hành tín ngưỡng và có nơi hội tụ cho các hoạt động kinh doanh, những người Ấn Độ miền Nam đã xây dựng ngôi Đền Mariamman tại đường Admiral de Rose, nay là số 45 Trương Định Quận 1, TPHCM.
Sự hiện diện của tín ngưỡng nữ thần Mariamman và ngôi đền thờ Bà đã nhanh chóng hòa nhập vào đời sống tâm linh của người dân Sài Gòn lúc ấy. Theo thời gian, nghi thức hành lễ ở Mariamman đã được cư dân TPHCM “Dân gian hóa”. Quá trình tồn tại và phát triển của đền Mariamman trải qua các thời kỳ khác nhau cũng có nhiều biến đổi nhất định. Việc nghiên cứu để xác lập loại hình tín ngưỡng, hoạt động lễ nghi, các công tác bảo tồn, trùng tu di tích là việc làm cần thiết hiện nay.
Phát biểu chào mừng, TS. Vipra Pandey, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM bày tỏ niềm vinh hạnh khi tham dự Hội thảo khoa học, nhấn mạnh việc nghiên cứu về thờ Nữ thần Mariamman ở TPHCM là một hành trình trải nghiệm đi sâu vào trái tim của con người, khám phá tác động sâu sắc của đức tin, truyền thống và giao lưu văn hóa, hội thảo chắc chắn sẽ cung cấp nền tảng có giá trị và phản ánh mối quan hệ lịch sử văn hóa giữ Ấn Độ và Việt Nam.

Tại hội thảo, Trưởng ban Quản lý Đền Mariamman Nguyễn Đăng Khoa đã trình bày tham luận “Công tác quản lý đền Mariamman hiện nay và những vấn đề cần định hướng trong tương lai”. Nhiệm vụ chính của Ban quản lý đền hiện nay bao gồm: Duy trì hoạt động của Đền theo đúng quy định pháp luật; bảo đảm sự hài hòa trong sinh hoạt tín ngưỡng, đặc biệt là tín ngưỡng Mariamman và các tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc Việt Nam, tổ chức lễ cúng hàng ngày và lễ hội theo truyền thống của Đền Mariamman và không tổ chức các hoạt động tín ngưỡng không phù hợp với văn hóa Việt Nam…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các báo cáo tham luận và trao đổi thảo luận về các nội dung: Công tác quản lý Đền Mariamman hiện nay và những vấn đề cần định hướng trong tương lai; giải mã chất Dương tính – nét trội đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mariamman và các nữ thần ở miền Nam Ấn Độ; từ bản chất, đặc điểm của tín ngưỡng Mariamman tới phương hướng phát huy di sản đền thờ Mariamman ở TPHCM; cơ sở xác lập tục thờ nữ thần Mariamman như một loại hình tín ngưỡng dân gian ở TPHCM; thực hành tín ngưỡng Mariamman tại Ấn Độ và TPHCM …
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Phan Anh Tú, Trưởng Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM đánh giá cao việc tổ chức hội thảo khoa học, cho thấy tầm nhìn chiến lược của Ban quản lý Đền Mariamman, thể hiện sự tôn trọng di sản văn hóa của Quốc gia. Kết quả nghiên cứu của trường Đại học sẽ được áp dụng vào trong công tác quản lý và bảo tồn di sản đối với Đền Mariamman liên quan đến văn hóa Ấn Độ và TPHCM, nhận diện ra những biến đổi, đây là nghiên cứu rất quan trọng được phản ánh qua các báo cáo tham luận của các giáo sư, học giả và những người trực tiếp tham gia nghiên cứu. Đồng thời hoàn thành được 3 nhiệm vụ là: xây dựng được cơ sở dữ liệu khoa học để xác định tín ngưỡng Mariamman là một loại hình tín ngưỡng ở TPHCM; xác lập được cơ sở dữ liệu về các nghi lễ từ phía Ấn Độ và được áp dụng trong Đền Mariamman cho phù hợp; việc xây dựng, trùng tu di sản đáp ứng nhu cầu và tình hình hiện nay trong công tác quản lý.