NN
 |
Một góc vườn Bách Thảo đầu thế kỷ 20
|
Năm 1864, đề đốc De La Grandière quyết định cải tạo khu đất hoang nằm ở phía Đông Bắc kênh Avalanche (kênh Thị Nghè ngày nay) có diện tích là 12ha thành khu vườn mang tên vườn Bách Thảo Sài Gòn; mục đích ban đầu là thử nghiệm ươm cây nhiệt đới được đem từ Nam Mỹ, Châu Phi sang.
Tháng 3 năm 1864, ông Louis Adolph German, một bác sĩ thú y của quân đội Pháp được giao nhiệm vụ thiết lập vườn Bách Thảo thành nơi nuôi trồng các loài động vật, thực vật của toàn Đông Dương; các loài cây nhiệt đới và thú rừng ở khu vực Đông Dương đã được ông vận động chuyển về đây, vì thế nơi đây còn được gọi là Sở Thú.
Thừa lệnh Toàn quyền Đông Dương, ông Jean Baptiste Louis Pierre (J.B Louis Pierre), một nhà thực vật học người Pháp, đã nhận chức vụ Giám đốc vườn Bách Thảo (năm 1865) để sưu tập các loài thực vật, động vật của ba nước Đông Dương cung cấp cho Viện Bảo tàng Lịch sử thiên nhiên Paris. Trong 12 năm phụ trách vườn Bách Thảo (1865 – 1877) ông đã phát triển khu vườn một cách nhanh chóng, diện tích được mở rộng thêm 8ha.
Từ năm 1924 đến năm 1927, vườn Bách Thảo được mở rộng diện tích thêm 13ha, chỉnh trang, tôn tạo các hang, chuồng thú, trải nhựa đường nội bộ.
Năm 1956, chính quyền Sài Gòn cho tu sửa, tái thiết Vườn Bách Thảo đồng thời đổi tên gọi là Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Tên gọi này được sử dụng cho đến ngày nay.
Từ sau năm 1975 đến nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn hoạt động với tính chất vừa là khu bảo tồn thiên nhiên vừa là khu tham quan, vui chơi giải trí, đón tiếp công chúng gần xa trong và ngoài nước.