Hơn 100 bài dự thi đến từ 15 cơ sở hội là những câu chuyện muôn màu sắc về ý nghĩa của hai từ “hạnh phúc”. Đó là hạnh phúc trong cuộc sống, trong học tập, trong sự nghiệp; vì có một gia đình ấm áp yêu thương, của những đôi lứa yêu nhau, của những người bạn…; là khi đạt được ước mơ, chiến thắng bệnh tật, đem đến niềm vui cho người khác… Mỗi câu chuyện đều lấp lánh những cung bậc cảm xúc, giống như những nốt nhạc lướt trên những phím đàn, có nốt thăng nốt trầm và hạnh phúc chính là những nốt nhạc bay bổng, những ánh mắt trao nhau, nụ cười trìu mến, hạnh phúc không quá lớn lao, xa vời mà thật giản dị, gần gũi với mỗi chúng ta…
Vượt lên số phận
Thật xúc động câu chuyện kể của chị Phượng (chợ Tân Định). Trong một chuyến đi thiện nguyện tại Long Thành, Bà Rịa, một tai nạn thảm khốc đến với cậu con trai duy nhất vừa tốt nghiệp đại học khiến phải cưa mất một chân. Nhớ lại cái đêm kinh hoàng đó, chị vẫn chưa hết nguôi ngoai: “Một đêm thật nặng nề, khủng khiếp, ngột ngạt… lòng chùn xuống đứng lặng người nhìn con mình bây giờ chỉ có một chân, như mất đi một phần thân thể của tôi”. Đau đớn không đánh gục được chị, vợ chồng chị đã nuốt nước mắt, nén nỗi đau, làm tất cả để giúp con trai vượt qua thử thách của số phận qua 3 lần phẫu thuật và phải cưa chân trái đến gối cùng những tháng ngày kiên trì tập luyện phục hồi chức năng, được gắn chân giả. Và kết quả trái ngọt hạnh phúc đã đến với gia đình chị: “Thời gian rồi cũng qua, con bây giờ đã ổn định, làm thiết kế cho một công ty, đôi lúc tôi đã quên con mình chỉ còn 1 chân, vì nó vẫn yêu đời, lạc quan, tôi tự hào về nó. Bây giờ tôi mới cảm nhận những tình cảm gia đình quý giá như thế nào. Đã qua những tháng ngày đau buồn, gia đình tôi năm nay hưởng một cái Tết trọn vẹn, trong không khí rộn rã tiếng cười, nào mai, nào cúc, nào quà Tết của con, lại được lì xì của con, không nhiều nhưng cũng đủ vui, đủ làm lòng mình thêm ấm lại, hạnh phúc giản đơn, gia đình tôi thật sự đón một cái Tết đoàn viên, Tết sum vầy là thế !”.
Một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to
Hạnh phúc đối với nhiều người đơn giản là những bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên cùng ngồi trò chuyện vui vẻ, chia sẻ thức ăn cho nhau. Những bữa cơm của nhà nghèo chỉ có đĩa rau xanh luộc chấm nước tương, nước cáy và mấy miếng thịt mỡ kho mặn, tuy đơn sơ đạm bạc nhưng tràn ngập niềm hạnh phúc.
Câu chuyện của chị Tuấn (phường Cầu Ông Lãnh) có chồng là bộ đội hải quân, ngày đêm vững tay súng nơi vùng đảo xa xôi Trường Sa. Yêu người lính thì phải chấp nhận hy sinh do đặc thù công việc của người lính biển là phải xa nhà, những ngày lễ tình nhân, 8/3, sinh nhật… không thể bên nhau đi chơi vui vẻ như bao cặp tình nhân khác. Nhưng chị càng yêu anh nhiều hơn khi hiểu được nỗi vất vả trong công việc của anh và sự thiếu thốn tình cảm gia đình khi phải xa nhà lâu ngày. Theo chị, hạnh phúc luôn hiện hữu quanh ta, người biết thuận theo tự nhiên thì sẽ tìm được hạnh phúc: Giờ đây, hạnh phúc của vợ chồng tôi được nhân lên gấp bội khi đang từng ngày, từng giờ chờ đón một thiên thần bé nhỏ chuẩn bị chào đời. Đó là trái ngọt đầu tiên, là kết quả của tình yêu viên mãn và thật đúng là “một gia đình nhỏ một hạnh phúc to”.
Niềm hạnh phúc bất ngờ
Chị Nguyễn Cẩm Nhung (phường Nguyễn Thái Bình) chia sẻ: Người ta vẫn thường nói: “Mấy đời bánh đúc có xương…”, nhưng câu chuyện của tôi lại hoàn toàn ngược lại. Tôi vượt qua định kiến “dì ghẻ con chồng” bằng tình yêu thương chân thành và rồi tôi vỡ òa hạnh phúc khi con chồng nói: ‘Trọn đời này mẹ sẽ là mẹ của con”.
Nhớ lại những ngày đầu, chị tâm sự: “con gái anh mới 9 tuổi nhưng khép kín”. Một ngày, chị nhận được cuộc điện thoại từ giáo viên chủ nhiệm của con bé nói nó bỏ học và đánh nhau với bạn cùng lớp. Chị hốt hoảng chạy đến thì thấy con bé ngồi một góc lớp, nó không khóc, không xin lỗi bạn. Khi về nhà, nó đóng chặt cửa phòng không nói chuyện với ai. Không thể nói chuyện trực tiếp với con, chị đành viết một bức thư rồi để trước cửa phòng con bé. “Tôi nói ra hết những suy nghĩ của mình, tôi muốn được gần gũi, quan tâm nó như một người mẹ thực sự…”. Rồi sau hơn 1 tháng kiên trì đứng ở cổng trường dù mưa hay nắng, con bé đã chịu để chị đưa đón đến trường. Thấm thoát đã hơn hai chục năm trôi qua, chị cảm nhận hạnh phúc khi con chồng luôn coi mình là mẹ đẻ.
Những câu chuyện lay động lòng người, để có được hai từ “hạnh phúc” họ phải trải qua quá trình vun đắp, tìm kiếm, hy sinh, nỗ lực, chia sẻ… Xin gửi thông điệp hạnh phúc đến tất cả mọi người, việc xây dựng gia đình hạnh phúc là một việc làm vô cùng quan trọng, đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta, đặc biệt thế hệ trẻ - nền tảng của gia đình, của xã hội tương lai.
Thanh Xuân