Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri ý kiến về phòng chống tham nhũng, bày tỏ vui mừng khi đất nước thực hiện không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên cử tri cho rằng việc thực hiện chưa đồng đều ở các địa phương, còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Cử tri đề nghị cần tiếp tục xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, xây dựng lực lượng thanh tra công tâm, trong sạch, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, giám sát thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị cần tiếp tục trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy hiện đại và ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo chất lượng cuộc sống, an ninh trật tự ở TPHCM; phát triển du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, các sản phẩm du lịch, tăng cường phát triển du lịch sinh thái về với thiên nhiên, mở rộng chính sách miễn thị thực nhập cảnh; đẩy mạnh tinh giản biên chế để xây dựng bộ máy nhà nước; xử lý nghiêm vi phạm pháp luật của “Hội thánh Đức Chúa Trời” gây ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội; nâng cao chất lượng xây dựng Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung, góp phần xây dựng nền giáo dục khơi gợi sáng tạo, lối sống thanh cao…
Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu ghi nhận các ý kiến xác đáng, trách nhiệm của cử tri mang hơi thở thực tiễn cuộc sống, mong muốn làm cho cuộc sống người dân tốt hơn. Về phòng chống tham nhũng được xã hội quan tâm, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh đây là vấn nạn làm bệ rạc nền hành chính, tạo ra những nguy cơ về vận mệnh đất nước. Xử lý tham nhũng là tiếng chuông báo động, cảnh tỉnh xã hội để mỗi đơn vị, mỗi người tự soi rọi. Mỗi vụ việc sai phạm được phát hiện bên cạnh sự đau lòng là góp phần tạo tin tưởng trong nhân dân về những quyết sách của Đảng và Chính phủ.
H.Y