TIN TỨC & SỰ KIỆN

|

Tin tức - Sự kiện

Phường Cô Giang tổ chức tuyên truyền phòng bệnh lao, sốt xuất huyết

Ngày 9/6/2022, UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam - Đoàn TNCS - Hội LHPN - Hội Chữ thập đỏ - Trạm y tế phường Cô Giang tổ chức tuyên truyền phòng bệnh lao, sốt xuất huyết. Tham dự có các đồng chí: Trần Ngọc Trí, Phó Bí thư Quận đoàn 1; Phạm Văn Thêm, Phó Chủ tịch UBND phường; Huỳnh Thanh Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường; Trần Thanh Hải, Trưởng Trạm y tế phường; cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể, trưởng 5 khu phố và đoàn viên hội viên, người dân trên địa bàn phường.

 

Báo cáo viên, Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Trạm y tế phường cho biết, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục. Những dấu hiệu của bệnh lao phổi: ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi. Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác như ho ra máu, sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm, đau tức ngực, gầy sút cân.

Bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày. Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh lao cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện sớm, để tránh lây bệnh cho người khác.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền vi rút từ người bệnh sang người lành. Muỗi vằn thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách. Triệu chứng của sốt xuất huyết chính là cơ thể sẽ xuất hiện những cơ sốt cao khoảng 39 đến hơn 40 độ, kéo dài từ 4 ngày đến 1 tuần. Bên cạnh đó người bệnh còn bị nhức đầu, đau phía sau mắt buồn nôn và khó chịu. Ngoài ra, những cơn đau cơ và khớp kéo đến làm cho toàn thân bị đau nhức, nôn nao. Da bị nổi mẫn và phát ban khắp người, mặc dù không ngứa nhưng cũng làm khó ở và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”, tự xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng; hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn; hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi trong các hộ gia đình; đồng thời tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời, không được tự ý điều trị tại nhà.  

                                                                             N.T


     

 
Các Tin tức - Sự kiện đã đưa
   Quận 1 triển khai tháng hành động tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày (18:25 - 27/05/2022)
   Phường Nguyễn Cư Trinh trao quà đến 11 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 (13:05 - 26/05/2022)
   Quan tâm, linh hoạt các hoạt động thu hút hội viên cựu chiến binh tham gia (13:05 - 26/05/2022)

Xem bài viết theo ngày
RadDatePicker
Open the calendar popup.