Cứ mỗi khi “lò lửa” chống tham nhũng bỏ thêm những thanh củi sâu mục, thì y như rằng, một làn sóng dữ các luận diệu xuyên tạc, chống phá lại nổi lên khắp các trang mạng, diễn đàn phản động, thậm chí cả những kênh truyền thông lớn của nước ngoài. Dù núp dưới những cái mác như “nhận diện”, “dự báo”, hay tung thẳng những tiêu đề, bài viết, ảnh, video chụp mũ, xuyên tạc thì nội dung thù địch về công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta cũng thường xoay quanh một số luận điệu chính, được ra rả nhai đi nhai lại hết năm này qua năm khác, với dã tâm không khác.
Thứ nhất, bọn chúng rêu rao nỗ lực phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, với những biểu hiện như các quyết định “truy tố”, “xét xử”, “miễn nhiệm”, “thôi chức”, chỉ là bức bình phong cho tình trạng “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng phe phái” hay “tranh giành quyền lực chính trị”. Mới đây, khi vừa có tin một lãnh đạo Văn phòng Quốc hội bị bắt, đài VOA Tiếng Việt ngày 24/4 lập tức rêu rao “cuộc chiến đấu giành quyền lực đang nóng lên”. Và sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý cho thôi giữ các chức vụ được phân công với một đồng chí lãnh đạo cấp cao, thì khắp các kênh thông tin hải ngoại như: Đài châu Á tự do (RFA), VOA Việt ngữ, Việt báo, Thoibao.de, hay các trang fanpage của Việt Tân, Tiếng Dân, các trang blogger phản động… tràn ngập thông tin bình luận, xuyên tạc. Bọn chúng tái diễn luận điệu vu khống quen thuộc cho rằng đây là kết quả của việc “tranh giành quyền lực”, “nhận định” kiểu “ngậm máu phun người” rằng phe này đang tìm cách triệt hạ phe kia để “tranh giành ghế”, “mở đường chiếm quyền lực”.
Nhưng trên thực tế, trước khi có các quyết định chính thức của Đảng và Nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương đã thông báo công khai việc đồng chí lãnh đạo vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; và nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công. Việc cho “thôi chức” đối với cán bộ cấp cao thể hiện đúng chủ trương của công tác cán bộ là “có lên, có xuống, có vào, có ra”, hướng tới văn hóa “từ chức” để thể hiện tính liêm sỉ, đề cao giá trị “công bộc” của người cán bộ, đảng viên. Việc một lãnh đạo từ chức khi cấp dưới, hoặc lĩnh vực mà mình quản lý có sai phạm cũng là hành động thường thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với những kẻ có dã tâm, thì việc một cán bộ cấp cao từ chức đã bị bọn chúng xuyên tạc, bịa đặt vô căn cứ về “cuộc chiến quyền lực”, kích động sự hoài nghi, hoang mang, dao động trong dư luận xã hội.
Hơn nữa, Đảng và Nhà nước ta đã xác định tham nhũng là “giặc nội xâm”, cản trở tiến trình phát triển của đất nước, thậm chí là một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Vì thế, chủ trương của đảng là huy động sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cả quốc gia, dân tộc để kiên quyết đấu tranh loại bỏ hiện tượng này ra khỏi đời sống xã hội. Đó hoàn toàn không phải là thanh trừng nội bộ hay tranh giành quyền lực như các thế lực thù địch đã rêu rao.
Luận điệu xảo trá nguy hiểm thứ hai là “Phòng, chống tham nhũng sẽ làm suy yếu nền kinh tế”, khiến các hoạt động kinh tế bị tê liệt. Ngày 28/3 vừa qua, trang web và fanpage của Đài Châu Á Tự do (RFA) đăng bài viết khẳng định: “Hai chủ tịch nước rớt chức trong một năm là tín hiệu đáng lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài”. Trước đó, ngày 28/11/2022, RFA cũng đăng bài với nội dung vô căn cứ cho rằng: “Cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu”. Đài VOA tiếng Việt hôm 29/11/2022 rêu rao: Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam làm tê liệt chuỗi cung ứng đầu tư, tê liệt nhiều giao dịch thông thường trong nước, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, luận điệu này là hoàn toàn không có cơ sở, bởi chính tham nhũng mới là tệ nạn kéo lùi sự phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Chính tham nhũng làm hủy hoại uy tín, môi trường đầu tư của đất nước, làm giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của nhà nước của nhân dân, gây rối loạn nền kinh tế… Dù ở chế độ nào, XHCN hay TBCN thì chính quyền cũng phải ưu tiên phòng chống tham nhũng, nhằm mở đường cho phát triển đầu tư, kinh tế, ổn định xã hội. Cuộc chiến chống tham nhũng được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm, đặc biệt là ở các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU). Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều có các cơ chế kiểm soát, chống tham nhũng nghiêm ngặt. Do đó, hoàn toàn không có cơ sở nào cho luận điệu xảo trá rằng cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế. Trái lại, trên thực tế, những nỗ lực phòng chống tham nhũng đã góp phần làm ổn định nền kinh tế – xã hội; củng cố, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế, đưa Việt Nam trở thành thị trường có sức hút lớn với nhà đầu tư nước ngoài.
Một luận điệu khác được các thế lực xoáy đến là “lò lửa” chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí” cán bộ, đảng viên, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, từ đó kìm hãm sự phát triển đất nước. Nhưng trên thực tế, không ai có thể phủ nhận cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đảng và Nhà nước ta đã tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đảng và chính quyền ta càng trong sạch thì sức mạnh và uy tín càng được củng cố, nội bộ càng đoàn kết, thống nhất. Việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ làm “chùn bước” những kẻ có động cơ không trong sáng, hay tay đã trót “nhúng chàm”.
Cuối cùng, “ngón nghề” quỷ quyệt, đen tối nhất trong các luận điệu chống phá, thù địch thì phải kể đến việc bọn chúng tung ra những lập luận xảo trá, ngụy biện cho rằng tham nhũng là bản chất của chế độ XHCN, là căn bệnh nan y của “chế độ độc đảng cầm quyền”, rằng “chế độ một đảng sẽ không thể chống được tham nhũng”. Chúng lớn tiếng hô hào, “chỉ tự do chính trị mới giúp Việt Nam chống được tham nhũng” và vu cáo rằng công tác phòng chống, tiêu cực ở Việt Nam chỉ là “chiêu trò mị dân”. Đây được coi là “át chủ bài” của hoạt động chống phá, nhắm đến mưu đồ đen tối nhất là thúc đẩy “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”, kích động đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.
Rõ ràng tung ra những luận điệu nham hiểm, trắng trợn như vậy, bọn chúng cố tình bỏ qua một vấn đề lý luận đã quá rõ ràng rằng: tham nhũng là sản phẩm của xã hội có giai cấp và nhà nước, là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Tham nhũng được sinh ra tại nơi có quyền lực tồn tại, trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, không phân biệt chế độ nhà nước đó là gì, thể chế chính trị là đa đảng hay độc đảng. Và một thực tế hiển nhiên là, tham nhũng vẫn đang là vấn nạn ở mọi quốc gia, mọi chế độ trên thế giới. Đảng và Nhà nước ta luôn nhận diện đúng về tham nhũng, nhìn thẳng vào thực tế, không phủ nhận tham nhũng vốn đã và đang tồn tại như một thứ “giặc nội xâm”, từ đó, nhất quán quan điểm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng; huy động quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” để chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh rất nhiều vụ án, đại án tham nhũng, tiêu cực. Rõ ràng Đảng ta không chỉ có quyết tâm chống tham nhũng mà còn có đủ năng lực chống tham nhũng hiệu quả.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “đã trở thành phong trào, thành xu hướng không thể đảo ngược”, thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta. Khi đảng viên và quần chúng nhân dân đã đặt niềm tin vào công cuộc đó, thì bất kỳ luận điệu chống phá, xuyên tạc nào cũng trở nên lạc lõng, lố bịch.
Hương Sen Việt