Hội nghị diễn ra sôi nổi với các nội dung: Tiếp cận EPR – Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rác thải tái chế tại địa phương; ngày hội tái chế “Đổi chất thải tái chế lấy quả”, cùng với 2 phiên tọa đàm chủ đề “Hiện trạng quản lý rác thải tái chế và khó khăn trong phân loại rác thải tái chế tại địa phương”, giới thiệu EPR và ứng dụng EPR trong việc quản lý rác thải tái chế; “Giải pháp, cơ hội và trở ngại trong việc phân loại, thu gom và quản lý rác thải tái chế.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 1 chia sẻ ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn. Theo đó, quy trình phân loại tái chế tại gia đình trước hết là để có thêm nguồn thu để bù đắp khi giá thu gom, vận chuyển rác tăng cao, đồng thời chia sẻ khó khăn đối với những người tham gia thu gom rác tái chế, phân loại từ đầu sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp, làm cho chuỗi thu gom tái chế hoàn thiện hơn, góp phần mang lại giá trị cho cộng đồng, lợi ích cho xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi các nội dung: Sự phối hợp và triển khai chương trình phân loại rác thải tái chế tại địa phương, tầm quan trọng của phân loại tại nguồn, đặc biệt là rác tái chế; những giải pháp trong quản lý chất thải tái chế và những cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và địa phương nhằm nâng cao hiệu quả của EPR trong quản lý chất thải tái chế; việc triển khai phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường mới 2020; mô hình quản lý rác thải tại hộ gia đình: Rác tại hộ gia đình – Thu gom -> Phân loại – Tái chế (hoặc xử lý); tầm quan trọng của việc phân loại rác tái chế tại nguồn, lợi ích của phân loại rác tái chế; những chiến lược, hành động của doanh nghiệp trong việc góp phần tăng hiệu quả của phân loại rác tái chế tại nguồn. Đồng thời chia sẻ giải pháp: Ứng dụng VECA – “Kết nối hộ gia đình với các đơn vị ve chai” và “Tuần hoàn chai nhựa “Bottle to bottle”, vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong mô hình góp phần giúp cho việc quản lý chất thải tại nguồn, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội tại địa phương.
Vấn đề quản lý, xử lý tái chế rác thải không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho các nhà sản xuất, nhập khẩu trong bối cảnh giá nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa trên thế giới tăng cao. Việc tăng cường thu gom, tái chế sẽ giúp doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, giúp tiết kiệm chi phí xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải bao bì, đồng thời tăng giá trị cạnh tranh thương hiệu cũng như giúp các địa phương giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải bao bì, nhựa có khả năng tái chế tại địa phương.
K.L