Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Hoài Phượng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa TPHCM; Phan Ngọc Thảo, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao Quận 1; Vũ Thị Xuân Mai, chuyên viên Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM. Cùng các cán bộ nghiệp vụ, cán bộ thông tin tuyên truyền của hệ thống Trung tâm Văn hóa 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Báo cáo đề dẫn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa – Trung tâm Văn hóa TPHCM Chu Thị Hồng Thúy nhấn mạnh, trong thời kỳ công nghệ 4.0 phát triển, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, cần thiết nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật càng được xem là một nội dung quan trọng. Ứng dụng truyền thông trong hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật trên không gian số ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã trở nên quen thuộc.
Việc tiếp thu cái mới, áp dụng công nghệ thông tin vào quảng bá và sáng tạo trong hoạt động lĩnh vực văn hóa nghệ thuật sẽ giúp cho người dân nắm bắt nhanh chóng và hưởng ứng các hoạt động văn hóa chính thống, đồng thời biến hóa, chọn lọc phù hợp với văn hóa, đặc điểm của văn hóa Việt Nam, đem đến cho công chúng những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật hay, đẹp, mang ý nghĩa, thông điệp tốt, mang giá trị xây dựng con người, giá trị nhân văn, xây dựng đất nước, thành phố, góp phần thực hiện hiệu quả, hoàn thành tốt mục tiêu “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” được Chính phủ đề ra vào ngày 12/11/2021.
Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa – Trung tâm Văn hóa TPHCM cũng cho biết thêm, tại chương trình chuyên đề, Trung tâm Văn hóa TPHCM đã ứng dụng về chuyển đổi số trong công tác tổ chức, đổi mới trong việc thông báo, phát hành thư mời, thống kê đại biểu tham dự bằng phương pháp đề nghị các đơn vị tham dự đặt câu hỏi cho Ban Tổ chức thông qua ứng dụng công nghệ.
Tại chương trình, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên, Thạc sĩ Nguyễn Lê Cao Bình, Giảng viên Khoa Công Nghệ Truyền thông – Đại học FPT TPHCM chia sẻ về truyền thông số, tầm quan trọng của truyền thông số trong việc quảng bá hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tìm hiểu các ứng dụng của truyền thông số trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Báo cáo viên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng phòng Công nghệ và Thông tin Du lịch – Sở Du lịch TPHCM chia sẻ kinh nghiệm, phương thức ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, sự kiện, du lịch, đặc biệt là Lễ hội sông nước TPHCM. Những thuận lợi, khó khăn, phương thức chuyển tải trên không gian mạng; vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác truyền thông.
Các báo cáo viên cũng giải đáp một số thắc mắc của đại diện một số Trung tâm Văn hóa Thể thao.
Chuyên đề “Ứng dụng truyền thông trong hoạt động lễ hội, sự kiện, văn hóa nghệ thuật trên không gian số” nhằm giúp đội ngũ cán bộ đang công tác tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thấy rõ tầm quan trọng của việc quảng bá hoạt động văn hóa nghệ thuật trên không gian số. Đồng thời, định hướng cho các đơn vị trong việc chủ động xây dựng nội dung về ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và thông tin tuyên truyền để làm cơ sở đưa vào dự toán kinh phí chuyên môn thường niên. Đây chính là xu thế tất yếu trong xây dựng và phát triển hoạt động văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ công nghệ số.
M.L