NN
|
Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho dân tại UBND quận 1, TP.HCM qua hệ thống máy vi tính nối mạng của quận giúp theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ đúng qui định-Ảnh: THANH ĐẠM |
Kinh nghiệm cho thấy muốn thực hiện cơ chế một cửa phải thắng được tư tưởng cát cứ, chia cắt, độc quyền... Những tư tưởng này rất xa lạ với việc tổ chức một nền hành chính liên thông. Thực hiện một cửa phải tổ chức lại bộ máy làm việc. Việc này không đơn giản là sắp xếp lại phòng ốc, chỗ ngồi, địa điểm tiếp công dân... mà là phải bố trí lại nhân sự, phân định lại thẩm quyền của từng cá nhân, từng tổ chức trong bộ máy. Công việc này sẽ đụng chạm đến thói quen, thứ bậc... vốn là những vấn đề nhạy cảm, tế nhị thường được tránh né.
Thực hiện một cửa đòi hỏi xây dựng, thiết lập một công nghệ hành chính tiên tiến, phù hợp với chủ trương hiện đại hóa công sở.
Nếu không tổ chức một cửa thì không thể nào hóa giải được mê hồn trận trong cấp phép xây dựng... Số liệu điều tra Chân dung cán bộ, công chức dưới mắt người dân (do Trường Cán bộ TP.HCM chủ trì) cho thấy có đến 60% người dân lo lắng nhất khi đến cơ quan công quyền là phải chờ đợi mất thời gian.
Trong đề tài nghiên cứu khoa học Sự suy thoái đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên ở TP.HCM... (do Trường Cán bộ TP chủ trì) cho thấy có 69,5% ý kiến cho rằng quan liêu cửa quyền là biểu hiện suy thoái hàng đầu đáng lo ngại nhất. Người dân có chuyện đến cơ quan công quyền, với tư cách người đóng thuế nuôi bộ máy, lẽ ra phải được các công bộc trong cơ quan công quyền phục vụ. Nhưng xem ra điều này còn xa với ý thức của từng công chức khi đối chiếu tình hình thực tế hiện nay!
Chính quyền đã cam kết thực hiện một cửa có nghĩa là đã cam kết xóa bỏ cơ chế xin - cho, cơ quan nhà nước đóng vai trò người cung cấp dịch vụ hành chính công. Đó là nguyên lý, nguyên tắc hoạt động của nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức độ hô hào, kêu gọi lương tâm chức nghiệp thì e là chưa đủ. Rất cần đưa vào qui trình hoạt động công vụ những giải pháp, kỹ thuật khách quan bắt buộc mọi công chức - dù muốn hay không muốn - vẫn phải tuân thủ. Trong công nghệ hành chính, người ta đã áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo bộ tiêu chuẩn ISO 9000.
Nếu tuân thủ đúng qui trình thì không có lý do gì công chức chần chừ không giải quyết đúng hẹn công việc của dân. Với kỹ thuật này, hoàn toàn có thể kiểm tra từng vị trí công việc của cả hệ thống, từ người thừa hành một phần việc trong công đoạn đến lãnh đạo các cấp. Đặt trong guồng máy vận hành theo hệ thống quản lý chất lượng, nếu bộ phận nào, cá nhân nào không tuân thủ những qui định, làm không đúng qui chế cam kết sẽ bị loại ra lập tức.
Nói lên điều này không hề đề cao kỹ thuật, coi nhẹ yếu tố con người, mà muốn nói về xu hướng phải đặt con người trong một tổ chức nề nếp, tuân theo qui trình nghiêm ngặt. Những điều này ta đang thiếu.