- Trình tự thực hiện:
* Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định.
* Bước 2: Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân quận (trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần và sáng thứ bảy hàng tuần).
Cán bộ tiếp nhận kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ:
• Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ thì ghi biên nhận cho người nộp, thu phí và lệ phí theo quy định.
• Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người nộp hoàn thiện hồ sơ.
* Bước 3: Nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân quận (trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần và sáng thứ bảy hàng tuần).
- Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước
a. Thành phần, số lượng hồ sơ:
* Thành phần hồ sơ: (Điều 14 Thông tư số 60/2014/TT-BCT ngày 27/12/2014 của Bộ Công thương)
Đối với những loại hồ sơ yêu cầu nộp bản chụp (photo), thương nhân phải mang theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu, xác nhận vào bản chụp (photo) là đã đối chiếu với bản chính; riêng hồ sơ đã chứng thực bản sao thì nộp bản sao, không cần bản chính để đối chiếu.
Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có thay đổi các nội dung của Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải lập 02 (hai) bộ hồ sơ, 01 (một) bộ gửi về Phòng Kinh tế Quận 1, 01 bộ lưu tại trụ sở tổ chức, cá nhân. Hồ sơ gồm:
1. Đơn đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung (theo mẫu tại Phụ lục số 11 kèm theo Thông tư số 60/2014/TT-BCT ngày 27/12/2014 của Bộ Công thương);
2. Bản sao Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh đã được cấp;
3. Các tài liệu chứng minh nhu cầu sửa đổi, bổ sung.
* Số lượng hồ sơ: 02 bộ.
b. Thời hạn giải quyết (theo ngày làm việc): 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
c. Đối tượng: Cá nhân, tổ chức.
d. Cơ quan thực hiện:
* Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Phòng Kinh tế quận.
* Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: không có.
* Cơ quan trực tiếp thực hiện: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân quận; Phòng Kinh tế quận.
* Cơ quan phối hợp (nếu có): không có
e. Kết quả thực hiện: Giấy phép.
f. Lệ phí (nếu có):
- Lệ phí cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh: Mức thu 200.000 đồng/giấy/lần.
- Phí thẩm định: Mức thu 1.100.000 đồng/cơ sở/lần.
g. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh (theo mẫu tại Phụ lục 11 kèm theo Thông tư số 60/2014/TT-BCT ngày 27/12/2014 của Bộ Công thương).
h. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: (Khoản 1, Điều 11 Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ)
- Tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu thủ công.
- Đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật hiện hành.
i. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
- Căn cứ Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Căn cứ Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Căn cứ Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu;
- Căn cứ Thông tư số 60/2014/TT-BCT ngày 27/12/2014 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu;
- Căn cứ Thông tư số 196/2014/TT-BCT ngày 18/12/2014 của Bộ Công thương quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện hoạt động, lệ phí cấp Giấy phép sản xuất rượu, thuốc lá;
- Văn bản số 746/SCT-QLTM ngày 23/01/2015 của Sở Công thương về việc triển khai áp dụng Thông tư số 60/2014/TT-BCT ngày 27/12/2014 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu.