TIN TỨC & SỰ KIỆN * Cải cách hành chính

|

Cải cách hành chính

Xin lỗi dân: Văn hóa và trách nhiệm công chức

Đã 84 lần xin lỗi người dân do giải quyết hồ sơ hành chính trễ hạn (84/2.000 hồ sơ) là kết quả sau gần 7 tháng UBND quận 1 - TPHCM triển khai thực hiện quy định “Các trưởng phòng - ban phải xin lỗi người dân và hẹn trả kết quả hồ sơ hành chính khi trễ hạn” nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với Phó Chủ tịch UBND quận 1 Trần Vĩnh Tuyến xung quanh việc thực hiện quy định này
 
NN
tại phòng TN &TKQ
Phóng viên: Phải xin lỗi dân do hồ sơ hành chính trễ hẹn chủ yếu thuộc lĩnh vực nào, thưa ông?

- Ông Trần Vĩnh Tuyến: Các dịch vụ công như thuế, cấp phép kinh doanh, tư pháp, hộ tịch... được kiểm soát tốt và hầu hết đều giải quyết đúng hẹn. Vì vậy, hồ sơ giải quyết trễ hẹn đều thuộc lĩnh vực nhà, đất. Đây là lĩnh vực tương đối phức tạp do nhu cầu của người dân xác nhận giấy tờ về nhà đất rất nhiều nên bộ phận tiếp nhận hồ sơ của quận và các phòng, ban chuyên trách phải giải quyết khối lượng lớn công việc. Chẳng hạn như, chương trình bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo chủ trương của TP phải thông báo cho dân giá bán vào cuối tháng 12; thực hiện xử lý nhà xây dựng trái phép sau ngày 1-7-2004 (quận 1 có 2.000 căn), hợp thức hóa xây dựng nhà - đất. Thực tế này là nguyên nhân khách quan khiến thời gian giải quyết hồ sơ bị chậm trễ, chưa kể với những trường hợp nhà, đất tranh chấp phải mất thời gian kiểm tra, xác minh. Trong đó nguyên nhân chủ quan cũng có phần cán bộ thụ lý hồ sơ chưa làm việc tích cực và cũng không loại trừ tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu và gây khó dễ cho người dân từ phía cán bộ.

Cụm từ “xin lỗi dân” có vẻ còn xa lạ với cán bộ công chức ở địa phương. Lý do gì mà UBND quận 1 có quy định cán bộ là trưởng phòng, ban phải thực hiện điều này?

- Quy định này được thực hiện từ tháng 2-2006 khi có sự thống nhất của lãnh đạo quận. Không chỉ xin lỗi người dân bằng miệng, các trưởng phòng, ban phải xin lỗi bằng thư kết hợp giải thích lý do vì sao để hồ sơ chậm trễ và hẹn ngày cụ thể trả hồ sơ cho lần sau. Theo tôi, việc nói lời xin lỗi dân là ứng xử văn hóa của cán bộ công chức và ngay cả người dân cũng cần thái độ tôn trọng của cơ quan công quyền. Mặt khác, chính quy định phải xin lỗi dân kết hợp giải thích lý do chậm trễ là việc làm minh bạch. Có như vậy, người dân và ngay cả lãnh đạo quận mới biết nguyên nhân để theo dõi và chấn chỉnh. Qua thực tế, phần lớn người dân khi được giải thích và xin lỗi đều có sự thông cảm, cho rằng với cách làm này chính quyền thể hiện sự gần dân.

Giao quyền “xin lỗi dân” cho trưởng phòng ban, vậy điều gì sẽ bảo đảm hiệu quả giải quyết hồ sơ hành chính nếu việc này không được kiểm tra, giám sát?

- Thực tế thời gian qua, có nhiều trường hợp mà trưởng, phó phòng-ban bị “vướng” thì đích thân phó chủ tịch trực tiếp tháo gỡ, giải quyết ngay để không gây thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp. Nói việc này để thấy cán bộ phòng, ban hay lãnh đạo quận đều tham gia giải quyết thủ tục hành chính nếu nằm trong thẩm quyền của mình. Sắp tới, UBND quận sẽ có cơ chế kiểm tra, giám sát hành động “xin lỗi dân” bằng cách lưu lại thư xin lỗi của trưởng phòng, ban để có cơ sở đánh giá hiệu quả công việc. Ngoài ra, UBND quận cũng cương quyết xử lý cán bộ nào có dấu hiệu tiêu cực, nhũng nhiễu như mới đây quận đã thuyên chuyển công tác một cán bộ ở bộ phận thụ lý hồ sơ tại quận và một số cán bộ nhà đất ở 2 phường Đa Kao và Bến Thành do người dân phản ánh có dấu hiệu nhũng nhiễu.

     

 
Các Cải cách hành chính đã đưa
   Cơ chế “một cửa, một dấu” – Con đường gian nan (00:00 - 01/01/1900)
   Cơ chế “Một cửa, một dấu” - “Một cửa”, nhiều “ngách”, ách việc dân (00:00 - 01/01/1900)
   Về chấn chỉnh chế độ thông tin báo cáo và việc trả lời, cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông, báo chí (00:00 - 01/01/1900)

Xem bài viết theo ngày
RadDatePicker
Open the calendar popup.